Đây là dự án thuộc tuyến đường cao tốc Bắc – Nam Việt Nam, có tổng mức vốn đầu tư lên hơn 31.000 tỷ đồng. Tuyến đường dài 58km nối huyện Bến Lức, tỉnh Long An với huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai, được khởi công từ năm 2014 và dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020 được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Toàn tuyến đường cao tốc sẽ có 6 nút giao cắt và lối thoát.
Điểm bắt đầu của cao tốc Bến Lức - Long Thành là từ xã Mỹ Yên thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Sau đó tuyến đường đi qua tỉnh Long An; huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ của TP.HCM; cuối cùng là tỉnh Đồng Nai. Tại địa phận của xã Long Thới, Huyện Nhà Bè, tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành giao cắt tại vị trí Cầu Bình Khánh bắt qua sông Soài Rạp kết nối với trục Đường Số 1 - Khu công nghiệp Hiệp Phước.
Tính đến nay, tiến độ tổng thể dự án đã đạt 66,56% tổng giá trị xây lắp các gói thầu đã triển khai. Công tác giải ngân các gói thầu đã triển khai xây lắp đạt hơn 9.475 tỷ đồng tương đương 63,72% giá trị xây lắp của dự án.
Do dự án đi qua vùng địa chất, thủy văn phức tạp với nhiều sông ngòi, sình lầy nên phải thực hiện hơn 20km cầu và cầu cạn. Đặc biệt, trong dự án phải thực hiện 2 cầu dây văng lớn là cầu Bình Khánh vượt sông Soài Rạp và cầu Phước Khánh vượt sông Lòng Tàu, mỗi cầu dài khoảng 3km. Hai cây cầu này có độ tĩnh không thông thuyền là 55m cho tàu biển có trọng tải đến 50.000 tấn lưu thông, được coi là lớn nhất Việt Nam.
Theo Ban quản lý dự án, khi hoàn thành cao tốc sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP.HCM. Đặc biệt hình thành tuyến đường cao tốc liên vùng tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mekong mở rộng từ Bangkok qua Phnôm Pênh, TP.HCM – Vũng Tàu.
Đồng thời, dự án cũng góp phần làm giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51 rút ngắn thời gian đi từ Long An đến TP.HCM, Đồng Nai, Bìa Rịa – Vũng Tàu.
Tổng hợp